Nhập nội dung vào đây để tìm kiếm!

Cô bé có cái đầu nghiêng 180 độ

Cô bé Afhseen Qumbar, 9 tuổi, người Pakistan có cái đầu nghiêng 180 độ buộc phải sống trong cảnh bị xa lánh vì mọi người sợ hãi cô bé.

Cô bé đến từ thị trấn Mithi, thuộc tỉnh Sindh, đất nước Pakistan, mắc một chứng bệnh rối loạn cơ bắp kỳ lạ. Nó khiến em không thể giữ đầu mình thẳng được.

Căn bệnh này cũng đồng nghĩa với việc Afhseen không thể đứng hoặc đi lại như người bình thường và bị hạn chế về tư thế ngồi. Cô bé cũng cần có người bón cho ăn và đi vệ sinh.

Trẻ con trong xóm sợ hãi cô bé còn người lớn cho rằng căn bệnh của cô bé là một nghiệp chướng. Cô bé không đi học và chỉ có những người bạn là sáu anh chị em ruột.

Bố cô bé, anh Allah Jurio, 55 tuổi còn mẹ Jameelan, 50 tuổi cho biết họ đã đưa cô bé đến khám một vài bác sĩ ở địa phương nhưng họ đều lắc đầu không thể chữa được một căn bệnh hiếm gặp như vậy.

Đôi vợ chồng khốn khó, tiền bạc chỉ cậy nhờ vào cậu con cả, không đủ tiềm lực kinh tế hay những nguồn hỗ trợ khác để đưa con gái tới khám các chuyên gia.

Chị Jameelan nói: “Thật đau lòng khi nhìn thấy con gái tôi như vậy. Tôi không thể chứng kiến cảnh nó bị như thế này thêm nữa. Không bác sĩ nào ở đây có thể chẩn đoán được bệnh của con bé cả. Họ đã khuyên chúng tôi nên đưa nó tới Trung Tâm Y tế Jinnah Post Graduate ở Karrachi. Nhưng, chúng tôi làm gì có tiền hay nguồn hỗ trợ nào khác để tới chữa ở một bệnh viện lớn hơn.”

Tình trạng rối loạn này bắt đầu từ khi nào?

Afhseen sinh ra bình thường như sáu anh chị em khác nhưng cuộc sống của cô bé đã thay đổi khi cô bé bước qua tám tháng tuổi.

Chị Jameelan cho biết thêm: “Khi mới được tám tháng tuổi, con bé bị ngã xuống đất trong lúc đang chơi ở ngoài nhà và bị chấn thương ở cổ. Lúc đầu chúng tôi không để tâm đến tình trạng của nó và vì thiếu tiền nên chúng tôi chỉ dùng cách chữa của một thầy lang ở địa phương nhưng bệnh tình của con bé chưa bao giờ tiến triển.”

“Càng lớn, tình trạng của con bé càng trở nên phức tạp. Nó hoàn toàn không thể ngẩng thẳng đầu lên được và thường kêu đau ở cổ. Nó không thể tự làm được bất cứ việc gì mà cần mọi người giúp hết. Con bé chỉ ngồi ở một xó và thi thoảng mới chơi đùa cùng các anh chị em.”


Trông cậy vào cậu con trai

Cả hai vợ chồng anh chị Jameelan và Jurio chỉ làm nông không có việc ổn định.

Cậu con trai cả, Mohmad Yaqoob, 25 tuổi làm thuê cho một cửa hàng tư và kiếm được không quá 200 bảng một tháng, nuôi sống cả gia đình.

Chị Jameelan nói thêm: “Chúng tôi phải tha lôi nó tới mọi nơi giống như một đứa bé con dù nó đã 9 tuổi rồi, liệu rồi chúng tôi sẽ phải tiếp tục đèo bòng con bé như thế nào khi nó lớn hơn nữa đây?”

Buộc phải sống đơn độc

Chứng bệnh bất thường của Afhseen khiến em phải sống như một người bị cả xã hội bỏ rơi vì không có ai đến gần cả.

Anh Jurio cho hay: “Người ta toàn nói những điều không hay về con gái tôi. Họ thường cười nhạo con bé. Điều đó thật sự khiến chúng tôi tổn thương. Chúng tôi không thể tha thứ cho thái độ và cách phân biệt đối xử của họ. Họ tránh gặp mặt con bé nên chúng tôi để nó ở nhà. Chúng tôi muốn con gái chúng tôi được đi học nhưmg sẽ không ai cho nó vào trường cả.”

Các bác sĩ cho rằng Afhseen mắc phải một chứng bệnh rối loạn cơ bắp hiếm gặp hoặc bị di tật về xương sống nhưng họ gợi ý rằng chỉ bằng một cuộc kiểm tra chi tiết mới chỉ ra được nguyên nhân chính xác.


“Trường hợp hiếm gặp nhất trong các trường hợp hiếm gặp"

Bác sĩ Dilip Kumar, chủ một phòng khám tư ở thị trấn Mithi và khám bệnh cho Afhseen, cho biết: “Đây là trường hợp hiếm gặp nhất trong các trường hợp hiếm gặp. Bệnh của cô bé có thể do một dị tật xương sống hoặc rối loạn cơ bắp nhưng chỉ có thể đưa ra kết luận xác đáng sau khi kiếm tra kỹ lưỡng.

“Chúng tôi không có đủ trang thiết bị sẵn có ở Mithi đó là lý do vì sao tôi gợi ý bố mẹ phải đưa cô bé tới Karach, ở đó phẫu thuật có thể cứu chữa được cho cô bé.”

Bố mẹ của Afhseen, trong lúc tuyệt vọng, đã cầu xin chính phủ Pakistan giúp đỡ.

Anh Jurio nói: “Nếu chính phủ giúp được, con gái tôi có thể có một cuộc sống bình thường. Tôi vẫn còn rất nhiều hy vọng dành cho Afhseen. Tôi muốn thấy con bé được cắp sách đến trường và chơi đùa cùng chúng bạn. Tôi muốn được nhìn con bé sống một cuộc sống bình thường và tôi đang hy vọng rằng mong ước của tôi một ngày nào đó sẽ được thỏa nguyện.”

Đăng nhận xét

0 Nhận xét